Vượt Biển

     Bỗng nhiên cả một vùng biển sáng rực lên. Ánh sáng như từ trên trời chiếu thẳng vào con tàu bé nhỏ tựa như ánh hào quang đang tỏa xuống và bao bọc đám thuyền nhân nằm thiêm thiếp trong khoang tàu. Mọi ngưới nhốn nháo choàng tỉnh dậy, rồi những âm thanh chợt vang lên:  tàu được vớt rồi, tàu được vớt rồi!

    Chiếc tàu lớn lướt  thật nhẹ quanh con tàu nhỏ trông như anh khổng lồ đang đứng cạnh chú bé tí hon. Thang sắt được từ từ thả xuống, mọi người  bật dậy như lò so, những ánh mắt mất thần bỗng sáng lên những tia hy vọng. Mọi người được thủy thủ đòan hướng dẫn lần lượt lên tàu;  phụ nữ và trẻ em đuối sức được thủy thủ bế lên. Vài người thủy thủ bước xuống khoang tàu nhỏ, họ đục đáy tàu cho vỡ ra một mãng nhỏ. Con tàu từ từ chìm xuống lòng biển sâu: giã từ con tàu thân yêu, giã từ vùng biển chết để bước vào một thế giới mới, thế giới của tự do, không hận thù.

Hơn hai mươi năm qua rồi nhưng những giây phút hãi hùng của những ngày lênh đênh trên biển vẫn không hề xóa nhòa trong tâm tưởng của chúng tôi. . .

 Con tàu rời Cần Thơ vào môt trưa tháng 5, tiến ra biển đông như một tàu đánh cá. Gần quanh đó là những chiếc ghe tam bản cũng lầm lủi chèo theo, người ta nằm dấu kín trong khoang ghe nhỏ hay thu mình dưới những tấm nứa, bó cây, hồi hộp và căng thẳng. Khi trời choạng vạng tối, tàu ngừng lại tại một ngã ba sông. Những chiếc ghe tam bản chèo thật nhanh đến sát tàu , người ta cố gắng leo nhanh lên tàu, mạnh người nào người ấy leo và tự tìm mộ chỗ ngồi cho mình, hỗn độn và vô trật tự. Con tàu dài không quá 10 thước bỗng nhiên phải tiếp nhận một số lượng người quá sức nên trở thành nặng nề, chao đảo. Cả trăm người lớn nhỏ ngồi như nêm cối trong khoang thuyền nhỏ, tiếng gọi nhau ơi ới, con tìm cha, vợ tìm chồng. Những chiếc ghe tam bản sau khi đã chuyển hết mọi người qua tàu lớn đã bắt đầu quay đầu trở lại đất liền.

 Ngồi trong phòng lái nhìn quang cảnh hỗn độn trước mắt nhưng tôi cũng chẳng có thì giờ để suy nghĩ ngoài việc định hướng cho con tàu tiến ra cửa biển. Càng đi ra ngoài gió càng mạnh và sóng càng cao. Không gian lặng im, không một lời nói, không một tiếng động ngoại trừ âm thanh rù rì của máy tàu. Ông thợ máy sau khi đi kiểm soát số lượng dầu nhớt nói nhỏ vào tai tôi: ’’Dầu ít quá, chắc chỉ đi được chừng ba bốn ngày là cạn’’. Hết hay không hết, còn hay không còn, cũng chỉ có một con đường là trực chỉ biển đông, tất cả phó mặc cho số mệnh. Tôi nghĩ vậy.

 Đi được một lúc lâu người ta đã bắt đầu ngửi thấy mùi gió biển, sóng đánh mạnh vào thành tàu làm nước bắn tung toé vào trong khoang, nếm thử đã thấy vị mặn của muối. Ráng đi một chút nữa là ra đến biễn đông chắc là thoát nạn. Ý nghĩ thoát nạn vừa loé lên trong trí thì bỗng nhiên ánh sáng đèn pha từ đâu rọi sáng một góc trời. Âm thanh của một chiếc tàu khác càng ngày càng nghe rõ, đèn pha được quét qua quét lại, rõ ràng là tàu công an biên phòng đang săn đuổi con tàu vượt biên bé nhỏ này. Tôi lấy một quyết định táo bạo, chuyển hướng tàu và tiến nhanh vào vùng sóng lớn với hy vọng thoát khỏi sự truy lùng của tàu biên phòng. Tàu bị sóng nhồi dữ dội, mọi người nhốn nháo và những tiếng khóc bắt đàu vang lên. Nhiều lúc tôi cũng phải nhắm mắt khi thấy những lớp sóng khổng lồ đưa bỗng con thuyền lên thật cao và quật mạnh xuống tận hố sâu của biển cả. Những giây phút ấy chỉ còn biết cầu phép lạ nhiệm mầu cứu giúp. Con tàu cứ bị nâng lên đập xuống như trái bóng bàn suốt một khoảng thời gian dài tưởng chừng không dứt. Có tiếng khóc, tiếng ói mửa vang lên chung quanh... Cuối cùng rồi tiếng máy tàu công an biên phòng cũng nhỏ dần, ánh đèn pha cũng biến dạng nơi chân trời. Thoát nạn rồi! Tàu đi trở lại hướng cũ: tiếp tục phương đông mà tiến.

 Tròi sáng dần, mặt trời to và đỏ hồng dần dần ló dạng cuối chân trời. Biển yên và gió nhẹ làm mọi người tỉnh táo đôi phần, nước uống và thức ăn được phân phát. Con tàu cứ thế lướt nhanh trên mặt biển. Gần trưa trời bắt đầu nắng gắt, người ta tự tìm cách tránh nắng, mũ nón được đi lên, bạt vải được căng ra trên khoang tàu nhỏ. Sau một ngày một đêm không ngủ vì phải lái tàu, tôi cảm thấy thấm mệt. Một vài thanh niên xung phong lên phụ lái. Sau khi chỉ dẫn các bạn thanh niên cách sử dụng hải bàn cùng chỉ hướng đi, tôi tìm một chỗ dựa lưng trong phòng lái nhắm mắt ngủ thiếp đi…

Không biết ngủ được bao lâu nhưng khi tỉnh dậy thì thấy mặt trời đã ngả về tây. Tôi ngồi dậy lấy ống nhòm nhìn ra phía trước, bóng dáng một  đảo nhỏ mờ mờ hiện ra trứơc mặt, tôi giật mình, sao chung quanh nhiều tàu đánh cá quá vậy ? Đảo này là đảo gì đây? Tôi chồm mình lấy chiếc hải bàn thấy tàu đang chạy hướng 210. Mấy thanh niên giải thích : ông thợ máy nói chúng tôi lái hướng này, nhanh và gần. Tôi nắm tay lái chuyển hướng 90 và xã hết tốc độ cho tàu trở lại biển đông.  Cái hải đảo mà tàu vừa thấy chính là Côn đảo, đi về hướng ấy chắc chỉ làm mồi cho công an biên phòng nữa thôi.

 Con tàu cố gắng chạy xa Côn đào càng nhanh càng tốt nhưng không kip rồi, hai ba chiếc tàu cũng đang xả máy tiến về phía chiếc tàu con. Ông thợ máy cho mở thêm máy phụ để tàu chạy nhanh hơn, nhưng chiếc tàu rượt đuổi càng lúc càng gần, mt vài tiếng súng được bắn lên trời. Tôi vẫn cho tàu chạy hết ga, lại một loạt súng thị uy, tàu vẫn cố gắng trốn chạy, súng nổ càng lúc càng gần, những lằn đạn sau này không còn bắn lên trời nữa mà hướng thẳng đến con tàu, những tia đạn xẹt trên mặt nước nghe thấy rợn người. Biết rằng không thể thoát được nữa, tàu ngưng máy và dật dờ trôi trên biển chờ tàu biên phòng tới.

Khi cách tàu chừng mười thước, những họng súng được chĩa thẳng vào thuyền tị nạn. Rồi có tiếng hét thật to: ‘‘Chủ tàu đâu, tài công đâu bơi qua đây’’. Không có tiếng trả lời. Một vài phát súng nổ lên trời và câu hỏi lại được vang lên lần nữa, sắc như dao và nghe thật tàn bạo. Từ trong thuyền bỗng có tiếng trả lời: ’’Chủ tàu không đi theo, tàu này không có tài công.’’ Tiếng nói chát chúa từ tàu biên phòng lại vang lên: ’’Một đại din trong tàu bơi qua đây nói chuyện’’. Im lăng mộ lúc lâu, bỗng có một người đàn ông lớn tuổi hy sinh cho tất cả mọi người, ông ta nhẩy xuống biển bơi qua tàu công an.

 Một lúc sau tàu biên phòng từ từ cập vào chiếc thuyền vượt biên, những sợi giây thừng được tung ra cột chặt hai tàu vào nhau. Người đàn ông bước trở về tàu, ông ta cho biết tàu biên phòng đồng ý cho tàu đi tiếp với điều kiện tiền và vàng bạc đem theo phải nộp hết cho họ. Thế là người ta cởi nhẫn, tháo dây chuyền cùng gom góp tiền bạc trao cho tàu biên phòng.

Tiền của vòng vàng đã được trao nhưng con tàu vẫn bị cộ chặt, mọi người lo sợ, chuyện gì xẩy ra nữa đây? Từ tàu biên phòng nhảy qua hai, ba tên công an, rồi một người trong bọn lên tiếng:’’Cách mạng đã khoan hồng định thả cho đi, nhưng các người đã không thành thật khai báo và nộp hết tiền và vòng vàng cho cách mạng, nên cách mạng sẽ kéo tàu về Côn Sơn để xét xử. Con tàu bị kéo ngược lại, Côn Đảo càng ngày càng hiện rõ. Có người trong tàu lên tiếng đề nghị tất cả bà con trong tàu ai còn tiền và vàng thì đưa cho  công an hết đi, biết đâu lần này được thả; thế là người ta lại vét một lần nữa số còn lại trao tiếp cho bọn công an. Lại những lời năn nỉ, lại những tiếng kêu xin, nhưng những tên công an mặt lạnh như tiền vẫn tiếp tục kéo con tàu huớng về Côn đảo.  Hình ảnh tù đầy hiện ra trong tâm trí mọi ngưòi, những khuôn mặt đau khổ chán chường, những ánh mắt đỏ hoe in dấu sự thất vọng não nề, có người ngồi đọc kinh, có người lần tràng hạt. Chúa Phật có nghe thấu những lời cầu nguyện hay chăng?

Tàu đang tiến gần đảo bỗng nhiên dừng lại, những sợi dây thừng đang cộ hai tàu được tháo rời ra, một tiếng nói vọng ra từ tàu công an: ’’Chúng tôi thông cảm cho mấy anh, cho tàu đi tiếp đó, lấy hướng nam mà đi ’’. Chiếc tàu biên phòng từ từ tách rời chiếc ghe bé nhỏ để lại những ngỡ ngàng cho đám vượt biên. Sau vài phút định thần, tôi định lại vị trí con tàu và sau đó xả hết máy tiếp tục cuộc viễn dương vô định.

Sau một đêm căng thẳng mọi người đã lấy lại được tinh thần nhưng vẫn không dấu được những nét mét mỏi của những ngày dài trên biển, ngồi bó gối đã mấy ngày nên bắt đầu thấy khó chịu. Số nước uống đem theo gần cạn vì đêm trước trong khi tàu bị kéo về Côn đảo ngưòi ta đã sử dụng bừa bãi số lượng dự trữ, giờ đây mọi người chỉ nhận được hai ba muỗng nước mỗi ngày. Cơn nóng chói chan lại làm cho ngưòi ta mệt lả, bến bờ vẫn chưa thấy chỉ thấy chung quanh biển cả mênh mông.
. . . . . . . .

Biển đêm nay thật êm, trời trong và sáng, nhìn lên trời người ta có thể thấy rõ các chòm sao Bắc Đẩu, Nam Tào, Đại Hùng Tinh, rồi Tiểu Hùng Tinh. Mặt trăng tròn vằng vặc làm sáng cả một bầu trời. Tôi tính nhẩm, tàu đã đi được bốn ngày bốn đêm rồi, như vậy hôm nay đúng là ngày rằm tháng tư âm lịch. Những hình ảnh xa xưa chợt hiện lên trong ký ức, những ngày rằm tháng tư theo mẹ lên chùa lễ Phật đễ kỷ niệm ngày Đức Phật Ðản Sanh. Chùa đông như ngày hội, không khí  vui và đượm mùi trầm hương ngào ngạt, lòng tôi mở rộng đón nhận ánh mắt nhân từ của Đức Phật, cảm thấy một niềm hạnh phúc vô biên. Hôm nay cũng ngày Phật Đản, nhưng tôi ngồi đây cô đơn trên biển cả mênh mông. Mẹ ở nhà chắc cũng chẳng an tâm vì không biết giờ này con của mẹ đang trôi nổi ở phương trời nào. Nhưng có điều tôi chắc chắn là khi lên chùa thế nào mẹ tôi cũng sẽ đọc kinh và cầu xin cho các con các cháu đến bến bờ bình yên. Nghĩ đến đó thấy lòng mình ấm lại, tôi nhắm mắt và thầm đọc bài kinh Bạch Y Thần Chú.

Bỗng nhiên cả một vùng biển sáng rực lên. Ánh sáng như từ trên trời chiếu thẳng vào con tàu bé nhỏ tựa như ánh hào quang đang tỏa xuống và bao bọc đám thuyền nhân nằm thiêm thiếp trong khoang tàu. Ánh sáng kia phải chăng là hào quang của Đức Phật đã hướng dẫn chiếc tàu  đồ sộ đến cứu vớt những người tỵ nạn khốn cùng này. Tôi  tin tưởng như vậy vì tôi hiểu rằng tàu chúng tôi đã được vớt ngoài biển đông đúng vào ngày Phật Đản.

Ngô Thụy Chương

Viết cho Mùa Phật Đản

trở về trang chính