Mùa Xuân Yêu Em
Hà Bạch Trúc







Những ngày tết
trôi qua thật chậm.
Mồng một …
Mồng hai …
Mồng ba …
Mồng bốn …
Mồng năm …
Eo ơi ……  Biết bao giờ mới đến mồng bảy.

Mồng một còn chịu được vì bận rộn với những nghi lễ, sinh hoạt ngày tết trong gia đình.
Mồng hai cũng còn chịu được vì gặp gỡ bạn bè để chúc tết nhau.
Mồng ba sáng sớm cúng đưa ông bà đi và đưa ông Táo về trời thì coi như đã hết tết. Mồng bốn, mồng năm là thê thảm nhất. Người  ta nói: “Mồng năm, mười bốn, hăm ba; Có đi thăm mẹ thăm cha cũng đừng”. Vậy thì chắc chắn người ta không lên đường vào ngày mồng năm rồi, lại càng cữ đi xa.
Và kể từ mồng sáu là tôi bắt đầu chờ đợi tiếng chuông …

Kể từ ngày quen Lang, tôi không còn thích ăn tết nữa.
Những ngày trước tết là những ngày đau khổ của tôi, chứ không còn là những ngày đầy nhộn nhịp phụ mẹ tôi làm kiệu làm mức và nôn nao may sắm quần áo mới. Ba ngày tết và những ngày sau đó là khoảng thời gian dài diệu vợi mà tôi phải âm thầm chịu đựng. Năm nào cũng thế, Lang về ăn tết với gia đình từ ngày hăm tám tết đến mồng bảy mới vô lại Sàigòn.  Nhà Lang ở cách thành phố của tôi mấy trăm cây số, Lang vào Sàigòn trọ học, cũng như trăm ngàn sinh viên trọ học khác mà đến bây giờ tôi mới biết.

Nhỏ em tôi rất tinh, nó biết hết về mối tình của tôi với “người  phương xa” cho nên những lúc thấy tôi thơ thẩn đi ra đi vào hay thẫn thờ ngồi nhìn ra cổng hoặc suốt ngày nằm dài trên giường, hết đọc sách lại thở dài, hết lăn qua lăn lại mắt thì dán  lên trần nhà, nó bực lắm.

Nó chọc tôi: “Lắng nghe cây lặng bên thềm” hả? Người ta tới bấm chuông thì biết liền, chứ hơi đâu mà nằm im lắng nghe như vậy! Ai biểu người ở gần không thương, lại đi thương người phương xa, cho cái cổ càng ngày càng dài!

Những ngày xuân trôi qua mà tôi nào có thưởng thức được gì đâu, tôi rạc người trong nổi chờ mong. Mấy hôm trước tết đáng lẽ phải náo nức chờ mong tết đến thì tôi đã bắt đầu buồn cho sự chia tay sắp tới. Hạnh phúc của tôi vì thế không bao giờ trọn vẹn.

Nhiều lúc tôi tự nghĩ: “Sao cái gì mình cũng ngược với người ta hết, người ta thì chờ mong tết đến còn mình thì mong chờ cho tết mau qua”.

Tiền lì xì tôi cũng được nhận trước tết, những lời chúc xuân tôi cũng nhận trước lúc Lang lên đường. Tờ giấy bạc mới tinh nằm trong phong bì, kèm theo bài thơ nhỏ tôi không nhớ của ai, nét chữ của Lang nắn nót chép trên thiệp thay cho lời chúc tết:

Đầu một ngày vội chi em thong thả,
Nhận dùm anh lòng nhỏ với chim khuyên.
Bước ngập ngừng từ những bước đầu tiên,
Năm sẽ ngỡ em vô cùng thương mến.

Rồi Lang bỏ tôi ở lại thành phố một mình.

Hơn một tuần dài như một thế kỷ. Suốt thế kỷ đó, tôi mất hết ý niệm không gian và thời gian. Tôi nằm im nín thở, trí óc tôi đình trệ, chữ nghĩa tôi nuốt không vô, mọi chuyện tôi gác lại một bên, tôi sống trong trạng thái không vui không buồn không suy nghĩ. Tôi ngủ vùi trong nổi chờ mong héo hắt, tựa như những củ hoa tulip ngủ vùi suốt mùa đông trong lòng đất lạnh, chôn dưới lớp tuyết trắng, chờ tia nắng ấm mùa xuân đến đánh thức để những chồi hoa xanh nõn giật mình chổi dậy trổ hoa khoe sắc rực rỡ muôn màu.

Rồi một ngày, thường từ mồng bảy đến mồng chín, vào giữa buổi trưa nắng vàng oi ả, có tiếng chuông reo làm tôi giật mình… Lang đến đánh thức tôi dậy, đưa tôi ra khỏi giấc ngủ mùa đông, cho tôi bàn tay âu yếm, ánh mắt nồng nàng và món quà xứ Thượng.

Hai đứa lang thang khắp các nẽo đường Sàigòn, Chợ lớn. Những vòng bánh xe quay tròn đưa hai đứa đi ciné, đi chơi “weekend Cholon” đạp xe qua những ngỏ ngách ngoằn ngèo của những khu phố tàu tấp nập xe mi, xe hũ tíu. Lang dẫn tôi đến nhà học trò ăn cơm, không quên dặn tôi: “Nhớ nói cám ơn”, bởi vì biết tôi ít nói mà lại không khéo nói. Lang mua một lúc hai cây kem, bắt tôi cầm cả hai ăn cùng một lúc “để người ta biết cô bé thích ăn kem, và chỉ khi ăn kem là mắt sáng nhất”.

Khi Lang đàn và hát tặng tôi bài Nụ hôn đầu, trong tôi mùa xuân như bất tận

Lần đầu ta ghé môi hôn,
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang.
Trời xanh cỏ biếc trưa vàng,
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông.
( thơ Trần Dạ Từ)

Nếu ngày xưa tôi thích Verlaine, Poe, Emily Dickinson, thì bây giờ tôi yêu Trần Dạ Từ, Từ Kế Tường, Ðỗ Qúy Toàn, Hoàng Anh Tuấn. Lang kể tôi nghe chuyện Cô bé tuyệt vời của Hoàng Anh Tuấn và tôi hiểu vì sao Lang gọi tôi cô bé.

Lần đầu nghe Lang hát Mùa xuân yêu em tôi thấy sao giống hai đứa quá, giống những lúc hai đứa ngồi suốt ngày bên nhau mà có nói với nhau được bao điều.

Anh yêu em vì em vì em biết nói

Đã biết thưa: Thưa anh

Em còn biết gọi

Sáng trời mưa khiến cho anh nhớ em

Bây giờ nắng

Anh nhớ em nhiều.

 

Ngồi xuống đây nghe chim là chim đang hót

Ðông cỏ như bàn tay

Trời trong mắt say

Ta ngó nhau ôi còn biết nói gì

Hai đứa ngồi ngồi đó

Nhu hai hòn bi.

(thơ Ðỗ Qúy Toàn, nhạc Phạm Duy)

Tôi cảm động rưng rưng, tôi nghĩ Lang thật sự yêu tôi và chắc phải yêu nhiều lắm, bởi có lý do gì đặc biệt để Lang yêu tôi đâu. 

Có điều gì đó nhẹ nhàng quá đổi xâm chiếm cả hồn tôi buổi sáng buổi trưa buổi chiều buổi tối, ngày mưa ngày nắng lúc nào không hay. Lần đầu tiên tôi chấp nhận sự diụ dàng trân trọng của một người khác phái. Tôi hồn nhiên đón nhận mối tình đầu ngày thơ êm ái, tim tôi rung động theo từng nhịp thở của một “người dưng khác họ” mà tôi trót “đem lòng nhớ thương”.

Cho đến một ngày mùa xuân, Lang bỏ tôi đi không trở lại.
Lặng lẽ không một lời giải thích, ít ra một lời giải thích thỏa đáng. Có lẽ Lang nghĩ tôi ngày thơ quá, có giải thích cũng chắc gì đã hiểu? Hay khi yêu chẳng có lý do thì lúc chia tay cũng chẳng cần một lý do để giải thích? Lang không có can đảm để nói sự thật cho tôi biết, Lang chọn giải pháp hèn nhát, bỏ tôi ở lại một mình, với một lý do vu vơ giả tạo. Khi người ta thay đổi thì sự thay đổi đó chỉ cần xảy ra trong một giây phút. Và rồi mọi sự không còn như trước nữa.

Trong cơn bàng hoàng đau đớn, tôi chỉ kịp thốt lên một câu nói vô tình nhưng không ngờ chính xác: “Lang giết người ta mà còn muốn người ta cám ơn”.

Mỉa mai thay, trong suốt cuộc tình có lẽ đó là giây phút sáng suốt nhất của tôi.

Phải nhiều năm sau đó, tôi mới hiểu được câu nói của chính mình thốt ra trong lúc tột cùng đau đớn. Lang bỏ tôi đi nhưng còn ích kỷ muốn trói buộc tôi mãi mãi, dù chỉ bằng tình cảm. Dù đã bóp nát trái tim tôi nhưng Lang muốn tôi vẫn giữ mãi hình ảnh đẹp về người.

Chính trong những giờ phút yếu đuối nhất đôi khi người ta khám phá ra sức mạnh của mình. Tôi tưởng tôi yếu đuối nhưng sự thật tôi dũng mãnh hơn nhiều. Trong con người mãnh mai đó chứa đựng một sức chịu đựng bền bỉ không ngờ. Tôi gói ghém mớ kỷ niệm vào tận cùng ký ức rồi tôi tự đứng lên, tự băng bó vết thương và tôi tự nhủ lòng phải giữ tâm hồn trong sáng, đừng đánh mất niềm tin ở con người và trong cuộc sống.

Nếu trong hồn ai cũng có những kỷ niệm vui buồn, những bóng ma dĩ vãng, thì có lẽ tôi đã làm lành được với bóng ma trong tâm hồn mình. Những kỷ niệm tôi đã chôn chặt từ lâu hôm nay bỗng chợt kéo về. Và tôi ngạc nhiên thấy chúng không còn làm trái tim tôi buốt nhói nữa. Chúng đã biến thành những hình ảnh đẹp, những câu thơ của một thời đã mất. Tôi thấm thía hiểu rằng kỷ niệm không tự chúng tồn tại được. Sở dĩ chúng tồn tại là vì chúng đã biến thành tim, thành máu của ta khiến cho ta quên lãng chúng đi để rồi một ngày nào đó chúng bất ngờ xuất hiện trong một nụ cười, một nét chữ, một cái tên, một bài hát …

Ðã nhiều năm trôi qua …

Tóc tôi vẫn dài, mắt tôi vẫn trong và tim tôi vẫn tràn đầy hạnh phúc mỗi độ xuân về nghe ai đó hát bài Mùa xuân yêu em.

2-2004

trở về trang chính